Tọa đàm: Chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng thuyết minh, đăng ký các nhiệm vụ KHCN cấp Quốc gia và hồ sơ bảo hộ quyền Sở hữu trí tuệ
Chiều ngày 28/03/2025, tại Phòng 518, nhà A7, Trường Điện – Điện tử đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề "Chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng thuyết minh, đăng ký các nhiệm vụ KHCN cấp Quốc gia và hồ sơ bảo hộ quyền Sở hữu trí tuệ ". Chương trình có sự tham dự của Ban Giám hiệu, viên chức quản lý các đơn vị, đại diện giảng viên, sinh viên Trường Điện - Điện tử và giảng viên Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội có quan tâm đến công tác nghiên cứu khoa học và sở hữu trí tuệ. Đồng chí Trịnh Trọng Chưởng - Phó Hiệu trưởng trường Điện - Điện tử chủ trì buổi tọa đàm.
Buổi tọa đàm được tổ chức nhằm tăng cường hợp tác giữa Trường Điện – Điện tử với các tổ chức khoa học ngoài trường, đồng thời hỗ trợ viên chức, người lao động trong việc đăng ký sở hữu trí tuệ, xây dựng thuyết minh nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KHCN) cấp Quốc gia. Thông qua các nội dung chia sẻ, các nhà khoa học có thêm nhiều thông tin và cơ hội tiếp cận những kinh nghiệm thực tế, góp phần nâng cao hiệu quả nghiên cứu khoa học tại Trường.
Toàn cảnh buổi tọa đàm
Mở đầu buổi tọa đàm, PGS.TS. Trịnh Trọng Chưởng – Phó Hiệu trưởng Trường Điện – Điện tử đã cung cấp thông tin về các chương trình KHCN cấp Quốc gia. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xác định đúng hướng nghiên cứu, phù hợp với các định hướng chiến lược của Nhà nước, từ đó nâng cao khả năng thành công khi đề xuất nhiệm vụ KHCN. Trong phần chia sẻ, ông đã hướng dẫn chi tiết về quy trình từ bước đề xuất ý tưởng, tìm kiếm đối tác hợp tác, đến cách trình bày thuyết minh. Những tiêu chí quan trọng như tính mới, tính ứng dụng thực tiễn và khả năng thương mại hóa cũng được ông phân tích cụ thể, giúp các nhà nghiên cứu hiểu rõ cách xây dựng một hồ sơ đề xuất đạt chuẩn. Ông minh họa bằng những kinh nghiệm thực tiễn, qua đó cung cấp góc nhìn thực tế và hữu ích cho giảng viên, nhà khoa học có ý định đăng ký nhiệm vụ KHCN các cấp.
PGS.TS. Trịnh Trọng Chưởng – Phó Hiệu trưởng Trường Điện – Điện tử cung cấp thông tin về các chương trình KHCN cấp Quốc gia
Tiếp nối nội dung chia sẻ, ông Phạm Văn Kiện – Đại diện Công ty Cổ phần tư vấn BIGPRO đã chia sẻ về tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật. Theo đó: việc đăng ký bảo hộ không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi của nhà nghiên cứu mà còn gia tăng giá trị thương mại của sản phẩm khoa học công nghệ. Trong phần hướng dẫn, ông đã đi vào chi tiết về quy trình đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích, từ việc chuẩn bị hồ sơ, viết mô tả sáng chế đến các thủ tục pháp lý cần thiết. Đặc biệt, ông chỉ ra những lỗi thường gặp trong quá trình đăng ký và đưa ra giải pháp giúp nhà nghiên cứu tránh được các rủi ro không đáng có. Bên cạnh đó, ông cũng chia sẻ về các chiến lược giúp tối ưu hóa quyền sở hữu trí tuệ, chẳng hạn như cách mở rộng phạm vi bảo hộ và phương pháp chuyển giao công nghệ hiệu quả nhằm đưa kết quả nghiên cứu vào ứng dụng thực tiễn.
Ông Phạm Văn Kiện – Đại diện Công ty Cổ phần tư vấn BIGPRO chia sẻ nhiều thông tin hữu ích tại buổi tọa đàm
Phần thảo luận diễn ra sôi nổi với nhiều câu hỏi thiết thực từ người tham dự, tập trung vào các vấn đề như cách tối ưu hóa hồ sơ đăng ký nhiệm vụ KHCN, các tiêu chí đánh giá sáng chế, cũng như quy trình bảo hộ sở hữu trí tuệ cho sản phẩm công nghệ. Các giảng viên và sinh viên đã đặt ra những câu hỏi liên quan đến các khó khăn thực tiễn trong quá trình đăng ký nhiệm vụ KHCN và cách thức hợp tác với doanh nghiệp để gia tăng tính ứng dụng cho nghiên cứu.
PGS.TS. Trịnh Trọng Chưởng và ông Phan Văn Kiện đã tận tình giải đáp từng vấn đề, cung cấp những phân tích chuyên sâu về chiến lược đăng ký nhiệm vụ KHCN cũng như cách thức xây dựng hồ sơ sáng chế chặt chẽ, giảm thiểu rủi ro bị từ chối bảo hộ. Những lời khuyên hữu ích từ hai diễn giả đã giúp người tham dự có cái nhìn rõ ràng hơn về quy trình đăng ký cũng như các cơ hội phát triển nghiên cứu trong thực tế.
PGS.TS. Trịnh Trọng Chưởng giải đáp thắc mắc, trả lời các câu hỏi của các đại biểu tham dự tọa đàm
Buổi tọa đàm đã mang lại những giá trị thiết thực cho đội ngũ giảng viên, nhà nghiên cứu, sinh viên và các đơn vị khoa học có quan tâm. Những chia sẻ từ các diễn giả không chỉ giúp nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ và đăng ký nhiệm vụ KHCN mà còn trang bị những kỹ năng cần thiết để thực hiện thành công các thủ tục này.
Với những kiến thức và kinh nghiệm thu được từ buổi tọa đàm, giảng viên và sinh viên của trường có thêm động lực và định hướng rõ ràng hơn trong hành trình nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.
Một số hình ảnh khác trong buổi tọa đàm:
PGS. TS. Trịnh Trọng Chưởng, thay mặt Ban Giám hiệu Trường Điện - Điện tử trao tặng quà lưu niệm, cảm ơn diễn giả
Phạm Văn Kiện
Các đại biểu chăm chú lắng nghe và ghi lại những thông tin hữu ích các diễn giả chia sẻ
Đại biểu tham dự tọa đàm chụp ảnh lưu niệm cùng hai diễn giả
Thứ Bảy, 23:10 29/03/2025
Copyright © 2025 School of Electrical and Electronic Engineering